HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Kinhtedothi-Theo UBND TP Hà Nội, TP sẽ lấy công nghệ thông tin là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu triển khai thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp thuộc UBND TP.
Thông qua phương án đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, thực hiện công tác cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã ban hành 17 Kế hoạch và 8 Quyết định liên quan cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, ủy quyền giải quyết TTHC, tái cấu trúc TTHC, dịch vụ công (DVC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của TP, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành các văn bản, kế hoạch để triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý, UBND TP đã ban hành văn bản và kế hoạch chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát phương án thực thi các nghị quyết đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư; rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, ủy quyền giải quyết TTHC nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội năm 2024.
Kết quả, 9 tháng đầu năm nay, TP đã thông qua phương án đơn giản hóa 32 TTHC, trong đó: lĩnh vực y tế có 19 TTHC, du lịch 1 TTHC, công thương 1 TTHC, thông tin và truyền thông 9 TTHC, xây dựng 2 TTHC.
Trên cơ sở kết quả rà soát và thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, UBND TP ban hành 36 quyết định công bố danh mục TTHC, công bố danh mục sửa đổi bổ sung TTHC, bãi bỏ, phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC, cụ thể: công bố danh mục TTHC các lĩnh vực đất đai, GTVT, nội vụ, LĐ-TB&XH, KHCN, công thương, KH&ĐT, tư pháp, NN&PTNT, xây dựng, QH-KT, VHTT, du lịch, TN&MT; công bố sửa đổi, bổ sung TTHC các lĩnh vực KH&ĐT, xây dựng, tư pháp, du lịch, công thương; bãi bõ/phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC các lĩnh vực NN&PTNT, KHCN, LĐ-TB&XH, y tế, GTVT, KCN-KCX, VHTT, tư pháp, du lịch.
Các quyết định công bố danh mục TTHC sau khi ban hành được công khai trên Cổng DVC Quốc gia theo quy định; đồng thời TP kết nối, tích hợp dữ liệu TTHC trên Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia với Cổng Giao tiếp điện tử TP Hà Nội và Chuyên trang Thông tin CCHC nhà nước TP.
Đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức, hoạt động bộ phận một cửa
Song song với đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, từ đầu năm đến nay, TP đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai về rà soát, xây dựng quy trình TTHC liên thông, phương án ủy quyền giải quyết TTHC, thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn TP Hà Nội.
Cùng đó, triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội; triển khai giải pháp ứng dụng CSDL Quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội; ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của TP trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội; phê duyệt danh mục 34 DVC trực tuyến ưu tiên dùng trên cổng DVC Quốc gia; ban hành quy chế tạm thời vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP.
Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC, trong 9 tháng đầu năm, TP đã tiếp nhận, xử lý theo quy định đối với 5.109 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính qua đường dây nóng, zalo, địa chỉ hộp thư điện tử và trên Cổng DVC Quốc gia.
Đặc biệt trong năm nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội đã tích cực chủ động phối hợp Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội và dự kiến trình HĐND TP thông qua trong tháng 9/2024. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm đổi mới toàn diện, triệt để mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận một cửa, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Trong đó, lấy người dân, DN là trung tâm; sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền; CNTT là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp thuộc UBND TP Hà Nội, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Kết quả, đến nay 100% TTHC đã được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã bảo đảm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định. Đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn tại Bộ phận một cửa bảo đảm đáp ứng đầy đủ về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế và kiên quyết xác định không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận một cửa, nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa.
Đáng chú ý, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống phần mềm nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC. Khi chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, đơn vị phải thực hiện việc xin lỗi công dân và khắc phục nhanh chóng, kịp thời để trả đúng hạn theo quy định. Tại Bộ phận một cửa các cơ quan, đơn vị trên toàn TP đều niêm yết đầy đủ số điện thoại, địa chỉ email tiếp nhận các phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC.
Đồng thời, TP tiếp tục chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đặc biệt công chức làm việc tại Bộ phận một cửa; đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức, trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.