CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Một số giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với kiến trúc nhà đặc trưng ở Hà Nội
Publish date 14/11/2022 | 08:28  | Lượt xem: 701

Trong những năm qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, Hà Nội cũng là nơi có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Do đó, nhu cầu về nơi cư trú, việc phân lô, bán nền, chia nhỏ diện tích đất, diện tích nhà ra để mua đi bán lại diễn ra rất phổ biến làm cho Hà Nội tồn tại số lượng lớn nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Trong những năm qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, Hà Nội cũng là nơi có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Do đó, nhu cầu về nơi cư trú, việc phân lô, bán nền, chia nhỏ diện tích đất, diện tích nhà ra để mua đi bán lại diễn ra rất phổ biến làm cho Hà Nội tồn tại số lượng lớn nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

 
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội diễn tập chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn

Nguy cơ xảy cháy ở nhà ống, ngõ nhỏ

Qua khảo sát, Hà Nội có tổng số 1.303.336 ngôi nhà, trong đó có khoảng 925.000 nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp. Thực tế cho thấy, nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đặc điểm, tính chất tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ và khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì có khả năng cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.

Đối với loại nhà này, về lối thoát nạn, ngăn cháy do xây dựng liền kề, sát nhau nên giải pháp ngăn cháy, chống khói bên trong nhà là không có và thông thường chỉ có duy nhất 1 cầu thang di chuyển từ tầng trên xuống dưới để thoát ra ngoài và đây cũng là lối thoát nạn duy nhất khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trong nhà.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình thường gia cố ban công, sân thượng bằng lồng sắt để chống trộm dẫn đến không có lối thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Tại các mặt phố, nhiều hộ gia đình còn kết hợp với sản xuất kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng tầng 1 làm nơi kinh doanh, buôn bán. Tại các hộ gia đình này, nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao và khi xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Với đặc điểm dạng nhà ống, nhỏ và hẹp, mặt bằng tầng 1 và gian bên ngoài được sử dụng, cho thuê làm gian hàng kinh doanh, trữ chứa và bày bán hàng hóa. Nhiều hộ gia đình vì tận dụng không gian nên để hàng hóa cả lên cầu thang, phòng ngủ, phòng khách dẫn đến khối lượng chất cháy là rất lớn, khi cháy khả năng lửa lan ra toàn bộ căn nhà cao.

Hoạt động sinh hoạt, ngủ nghỉ của các thành viên trong gia đình hoặc nhân viên bán hàng được bố trí trên gác xép, tầng trên hoặc sâu bên trong nhà, các nhà liền kề với nhau, ba mặt đều có nhà tiếp giáp, ban công, tầng thượng, tầng tum được bịt kín bằng lưới sắt để phòng chống trộm.

Hà Nội có rất nhiều ngõ nhỏ, hẹp kích thước chỉ đủ rộng cho 2 xe máy đi qua, trong khi đó, yêu cầu chiều rộng cho xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không được nhỏ hơn 3,5m. Do đó, việc tiếp cận đối với những tuyến phố, ngõ hẹp có kích thước nhỏ, chiều dài lớn là không khả thi, trường hợp xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn thì phải triển khai lực lượng, phương tiện, đường vòi chữa cháy rất dài mới đến được điểm cháy.

Nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan

Qua khảo sát của Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho thấy, việc sử dụng nguồn lửa, nhiệt tại các hộ trong nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố còn chủ quan, lơ là, đặc biệt là hệ thống điện còn tùy tiện, chưa bảo đảm an toàn.

Hệ thống điện trong nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nhất là đối với nhà cũ, nhà ở hộ gia đình kết hợp với sản xuất kinh doanh.

Theo chuyên gia PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết, các hệ thống điện trong nhà thường được đấu nối, câu móc tùy tiện nhằm phục vụ cho sinh hoạt, ăn ở của người dân hoặc vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh tại các hộ gia đình có sản xuất, kinh doanh.

Nhiều nhà xây dựng từ lâu năm phần lớn không nâng cấp, cải tạo hệ thống điện, sử dụng hệ thống điện cũ, việc gia tăng phụ tải các thiết bị điện ít được quan tâm, tính toán không bảo đảm công suất tiêu thụ. Tình trạng nhiều thiết bị tiêu thụ điện cùng cắm vào một ổ cắm xảy ra nhiều do đặc điểm vừa ở, vừa sinh hoạt và kinh doanh, sản xuất. Đối với các ngôi nhà được xây dựng đã lâu, hệ thống điện bị xuống cấp, đường dây điện không bảo đảm an toàn và thiếu việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ như aptomat… Vì vậy, khi có sự cố quá tải, chập điện hệ thống điện sẽ không được ngắt dẫn đến quá nhiệt và xảy ra cháy.

CATP Hà Nội diễn tập PCCC và tìm kiếm cứu nạn

CATP Hà Nội diễn tập PCCC và tìm kiếm cứu nạn

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2021) trên địa bàn thành phố xảy ra 2.954 vụ cháy (trong đó gồm: 33 vụ cháy lớn, 46 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 28 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 699 vụ cháy trung bình, 2.076 vụ cháy nhỏ, 72 vụ cháy rừng), 07 vụ nổ làm 74 người chết và 132 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 3.230 vụ chập điện trên cột, 3.373 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, cháy cỏ, phế liệu…). Số vụ cháy tại nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố luôn chiếm tỉ lệ cao (từ 50% đến 60%).

Trước tình hình trên, để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà liền kề, nhà ống, cần một số giải pháp cụ thể và ý thức trách nhiệm của người dân phải được nâng cao.

Cơ quan chức năng địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với chủ hộ, các thành viên sinh sống, làm việc trong nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ. Thường xuyên kiểm tra, thay thế hệ thống điện, lắp aptomat đối với các thiết bị điện có công suất lớn hoặc bố trí phân chia theo khu vực, tầng để tự ngắt khi có sự cố quá tải; không đấu nối, câu mắc sử dụng điện tùy tiện; đường dây dẫn điện để hở nên được luồn trong ống ghen bảo vệ; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện cùng 1 ổ điện và không sử dụng đồng thời các thiết bị điện trên 1 ổ điện; bố trí ổ điện, dây cắm nối dài, bóng đèn xa các vật dụng, đồ dùng dễ cháy như quần áo, rèm cửa, chăn, màn; trước khi đi ngủ và ra khỏi nhà cần kiểm tra, tắt thiết bị điện không cần thiết.

Việc thắp hương, nến phải đặt trên các vật liệu cách nhiệt, bảo đảm khoảng cách với các vật liệu dễ cháy; đốt hóa vàng mã phải đảm bảo đúng nơi quy định và có người trông coi đến khi tàn lửa tắt hoàn toàn. Hạn chế sử dụng vật liệu dễ cháy như tấm lợp nhựa, gỗ; ưu tiên sử dụng các vật liệu không cháy hoặc khó cháy trong nhà. Khi hàn cắt, sửa chữa cần chú ý đến các vật dụng có thể gây cháy ở xung quanh. Trong quá trình hàn phải bố trí người trông coi, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy như bình chữa cháy, xô, chậu chứa nước nhằm sẵn sàng dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Không được để đồ dùng, hàng hóa, chất cháy trên lối ra thoát nạn, cầu thang bộ thoát hiểm. Tại các tầng phía trên nên bố trí ban công, lô gia thông thoáng, hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông để thoát nạn khi cần thiết.

Trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt tại lô gia, ban công để bảo vệ cần bố trí cửa có cánh để mở cho người có thể di chuyển thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ; việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà phải tuân theo quy định về PCCC. Nhà có 1 lối thoát nạn cần có phương án thoát hiểm khẩn cấp, có thể là thang sắt bên ngoài hoặc ống tụt, thang dây từ các tầng bên trên, ban công, lô gia, tầng mái... sang nhà liền kề.

Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy trong các nhà liền kề, nhà ống tại các tuyến phố, ngõ hẹp trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể: các hộ gia đình có thể tự trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy cơ bản như các loại bình chữa cháy xách tay, thiết bị báo cháy độc lập, hệ thống chữa cháy tự động trong nhà (sử dụng áp lực từ bể nước trên mái nhà có kết hợp bơm tăng áp); mặt nạ lọc độc, thang dây thoát nạn.

Nguyễn Tiến Nam

Nguồn: Báo Mới