DI TÍCH LỊCH SỬ
(Tạp chí Du lịch) - Ngày 18/11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022).
Theo đó, Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, với vị trí là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, là nơi lưu giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng đã và đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tại Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 24, Quận ủy Hai Bà Trưng đã xây dựng 05 chương trình công tác toàn khóa và các chuyên đề, đề án thuộc chương trình, trong đó có Chuyên đề số 11 về “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”.
Hiện trên địa bàn quận có 51 di tích được thành phố kiểm kê, trong đó 35 di tích xếp hạng, bao gồm 01 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp thành phố... Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung tới bạn bè quốc tế như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng; cụm di tích Chùa Hòa Mã; Chùa Vân Hồ; Chùa Vua; Chùa Liên Phái; Chùa Hộ Quốc…
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị từ quận đến cơ sở cần xác định một số nhiệm vụ: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; các cấp ủy, chính quyền nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; thực hiện việc tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận, số hóa công tác quản lý hồ sơ tại 100% các di tích để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch; thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch là thế mạnh của quận: du lịch văn hoá gắn với tâm linh, vui chơi giải trí, mua sắm, là điểm đến du lịch an toàn - thân thiện - chất lượng.
Tại buổi lễ, Ni sư Thích Đàm Hiếu - Phó Ban thường trực Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Hai Bà Trưng, Trụ trì chùa Viên Minh chia sẻ, bên cạnh việc trông coi di tích, làm tốt công tác bảo vệ cảnh quan, thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hoá, nhà chùa luôn quan tâm phát huy giá trị di tích, tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa gắn với không gian cảnh quan di tích; phối hợp tổ chức các hoạt động tâm linh, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng,... góp phần nâng cao ý thức, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh quận Hai Bà Trưng.
"Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của mỗi người con đất Việt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương", Ni sư Thích Đàm Hiếu nhấn mạnh.
Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Ngay sau khi hòa bình được lặp lại (1954), để bảo vệ di tích, nhà nước đã có quyết định công nhận một số các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô và đất nước vào năm 1962. Trong số những di tích được xếp hạng đợt đầu tiên này, có Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng. |