(Dân trí) - Từ ngày 1/7, điều kiện hưởng 100% bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ thay đổi do bãi bỏ mức lương cơ sở. Đồng thời, người dân sẽ được tích hợp BHYT vào thẻ căn cước, thêm nhóm được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT…
Thêm nhóm lao động được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT
Từ ngày 1/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực.
Điều 32 luật này quy định việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản của các luật có liên quan.
Trong đó, Khoản 2 Điều 32 bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT quy định về nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Sau khi bổ sung, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng sẽ bao gồm 2 nhóm hiện hành là người thuộc hộ gia đình cận nghèo và học sinh, sinh viên; 1 nhóm bổ sung từ ngày 1/7/2024 là người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ngoài việc được nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn được nhà nước hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu chưa tham gia BHYT mà bị ốm đau, tai nạn, bị thương.
Nếu người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động thì được xét trợ cấp; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
Nếu người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ.
BHYT có nhiều thay đổi từ ngày 1/7/2024 (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).
Tích hợp thẻ BHYT vào thẻ căn cước
Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực. Điều 22 luật này quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp.
Khoản 2 Điều 22 luật này quy định thẻ BHYT là một trong những giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước.
Việc sử dụng thông tin thẻ BHYT đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Như vậy, khi đã tích hợp thẻ BHYT vào thẻ căn cước, người dân có thể dùng thẻ căn cước để khám, chữa bệnh và thực hiện các thủ tục về BHYT.
Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Căn cước, người dân có thể đề nghị tích hợp thông tin thẻ BHYT vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Thay đổi mức đóng BHYT
Hiện mức đóng BHYT hằng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình được quy định như sau: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".
Với mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng, mức đóng của người tham gia BHYT hộ gia đình cụ thể như sau:
Đối với nhóm được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, phần còn lại phải đóng được tính căn cứ vào mức đóng của người thứ nhất trong bảng trên.
Ví dụ, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT. Do đó, người thuộc hộ cận nghèo đóng bằng 30% mức đóng của người thứ nhất, mức đóng 1 năm là 291.600 đồng.
Ngoài ra, mức đóng BHYT hằng tháng của học sinh, sinh viên cũng được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%.
Như vậy, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên cụ thể như sau:
Từ ngày 1/7/2024, khi lương cơ sở bị bãi bỏ, cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn mới để tính toán mức đóng BHYT hộ gia đình, các nhóm được ngân sách hỗ trợ và học sinh, sinh viên.
Điều chỉnh điều kiện hưởng mức chi trả 100% BHYT
Ngoài một số nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được hưởng chế độ BHYT chi trả 95%-100% chi phí khám chữa bệnh, những nhóm còn lại chỉ được BHYT chi trả 80%.
Tuy nhiên, những nhóm này vẫn có cơ hội được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh khi tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Cụ thể, để được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện.
Thứ nhất, có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên (tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám chữa bệnh).
Thứ hai, có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục).
Tức là trong năm, nếu số tiền khám chữa bệnh mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán.
Ngoài ra, người tham gia BHYT còn được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
Cả 2 chính sách hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT trên đều dùng lương cơ sở làm căn cứ. Từ ngày 1/7/2024, khi bãi bỏ lương cơ sở, cơ quan chức năng sẽ áp dụng một mức tham chiếu khác để làm căn cứ xác định người bệnh đủ điều kiện hưởng chính sách trên.