TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân
Ngày đăng 28/12/2024 | 10:55  | Lượt xem: 39

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân Văn hóa 24/12/2024 11:51 Email Print (LĐTĐ) Ngày 24/12, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình tọa đàm "Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân, phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội".

Phát biểu đề dẫn toạ đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Thủ đô ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ kho tàng di sản văn hóa phong phú với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và phân loại theo 6 loại hình. Trong đó, lễ hội truyền thống chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.206 di sản, chiếm 67% tổng số di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô.

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu đề dẫn toạ đàm.

Theo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 và Luật Di sản văn hóa 2024, cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra, bảo tồn, duy trì và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt với lễ hội truyền thống, cộng đồng dân cư địa phương chính là chủ thể thực hành và bảo vệ các giá trị văn hóa được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Lễ hội đền Đồng Nhân được cộng đồng cư dân phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) duy trì tổ chức hàng năm từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Hai âm lịch. Lễ hội thể hiện lòng tôn vinh, biết ơn đối với hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị thông qua các nghi lễ rước nước, tế lễ truyền thống. Đặc biệt, lễ hội còn giữ được tục kết chạ, giao hiếu - phong tục đẹp góp phần tăng cường đoàn kết giữa các địa phương có di tích thờ Hai Bà.

Tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, địa phương hiện có 51 di tích được kiểm kê, trong đó 35 di tích đã được xếp hạng. Quận đã hoàn thành việc số hóa công tác quản lý di tích thông qua trang thông tin điện tử "360° di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng" và đang đề xuất công nhận Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng là điểm du lịch cấp thành phố.

Hiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng và cộng đồng địa phương triển khai các hoạt động tư liệu hóa, ghi hình, chụp ảnh phục vụ xây dựng hồ sơ đề nghị đưa Lễ hội đền Đồng Nhân vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Buổi tọa đàm "Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân" thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng địa phương cùng trao đổi về giá trị văn hóa, lịch sử của di sản, đồng thời định hướng nâng cao năng lực thực hành và bảo vệ di sản của cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa.

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng phát biểu tại tọa đàm.

Tọa đàm tập trung trao đổi các nội dung như: Nhận diện giá trị văn hoá, lịch sử và khoa học của Lễ hội đền Đồng Nhân; vai trò của cộng đồng chủ thể trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân trong bối cảnh đô thị hoá; định hướng phát triển công nghiệp văn hoá từ Lễ hội truyền thống qua trường hợp Lễ hội đền Đồng Nhân; định hướng nâng cao năng lực thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho cộng đồng chủ thể di sản; đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Đồng Nhân...

Các ý kiến tại tọa đàm là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội nói chung và Lễ hội đền Đồng Nhân nói riêng.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ.

Phương Bùi