TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Phát huy hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương
Ngày đăng 15/11/2024 | 16:41  | Lượt xem: 36

Ngay sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19/02/2024 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chỉ thị 30-CT/TU), các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ quận đến cơ sở trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, sâu rộng. Đáng lưu ý, quận Hai Bà Trưng chú trọng đến việc phát huy hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn quận, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận.

Địa phương tiên phong, tích cực triển khai Chỉ thị 30-CT/TU

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Quận uỷ Hai Bà Trưng, Ban Thường vụ Quận ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 176-KH/QU, ngày 8/3/2024; chỉ đạo Ban Tuyên giáo phát hành Hướng dẫn số 129-HD/BTGQU, ngày 12/4/2024 về Tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tổ chức hội nghị trực tuyến từ điểm cầu thành ủy tới điểm cầu quận và 18 điểm cầu phường với tổng số 721 đại biểu tham dự. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với UBND quận hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quận xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn quận với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận, của địa phương, cơ quan, đơn vị.

bi-thu-tt-quan-uy-hbt-tran-quyet-thang.jpg
Phó Bí thư Thường thực Quận uỷ Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng.

Phó Bí thư Thường thực Quận uỷ Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo thực hiện, đưa việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ chính trị trọng yếu.

Bên cạnh đó, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh trên địa bàn quận gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội quận đã có nhiều mô hình, sáng kiến hỗ trợ người dân, tiêu biểu như: mô hình thi đua Dân vận khéo “Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các tổ chức thành viên phát huy sức mạnh đại đoàn kết, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, chống tái nghèo” được UBND Thành phố tặng bằng khen.

3.jpg
Mô hình “Tuyến đường bích họa nở hoa” của Hội LHPN quận đạt giải Nhất cuộc thi do Hội LHPN Thành phố tổ chức đã đem lại bộ mặt đô thị xanh - sạch - đẹp cho quận.
1.jpg

Văn phòng HĐND - UBND quận triển khai Mô hình “Ngày thứ 4 tốc ký” và mô hình “Một hồ sơ ba kết quả” đã mang lại sự hài lòng lớn của người dân và doanh nghiệp trong cải cách thủ tục hành chính. Các mô hình “Công đoàn là tổ ấm”, “Gian hàng lưu động 0 đồng”, “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ quận đã rất hiệu quả trong việc chăm lo cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

Đoàn thanh niên quận thực hiện mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng” hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, gắn biển QR code tại các địa điểm di tích để tuyên truyền quảng bá di tích lịch sử trên địa bàn quận. Do đó sức lan tỏa của các tấm gương tiêu biểu, các mô hình hay đã trở thành phong trào thi đua tích cực trong đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ban Thường vụ Quận ủy quán triệt chỉ đạo UBND quận, các phòng ban, ngành và 18 phường thuộc Quận chăm lo xây dựng con người quận Hai Bà Trưng thanh lịch, văn minh; phát triển toàn diện. Quan tâm lồng ghép xây dựng và thực hiện quy ước với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và nội dung 02 bộ Quy tắc ứng xử, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho mỗi công dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh ý thức tôn trọng và thực hiện nghiêm kỷ cương, pháp luật.

Công tác tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương “Người tốt việc tốt”; đồng thời có biệp pháp để ngăn chặn, xử lý các hành vi phản văn hóa, không phù hợp với truyền thống thanh lịch của Hà Nội. 100% các phường duy trì, nhân rộng các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

Là quận duy nhất của Thủ đô vinh dự được mang tên hai vị nữ anh hùng chống xâm lăng trong lịch sử nước nhà là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bên cạnh đó, quận Hai Bà Trưng có các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu như: Cụm di tích đình - đền – chùa - miếu thờ Hai Bà Trưng; đền Cơ Xá; chùa Liên Phái; cụm di tích chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa; cụm di tích đình - đền - chùa Hòa Mã. Các di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu: Chiến lũy Ô Cầu Dền, đài chiến thắng Vân Đồn, chùa Quỳnh Lôi, chùa Hương Tuyết…

z6000683052838_4abd7ecb5c4f8b0d95a80dbe31220d95.jpg
Quận Hai Bà Trưng luôn quan tâm đến phát huy giá trị các di sản trên địa bàn quận trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. (Ảnh: Lễ hội truyền thống tại Cụm di tích đình - đền – chùa - miếu thờ Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng).

Đặc biệt, thời gian gần đây, quận Hai Bà Trưng còn là điểm đến năng động, sáng tạo với Không gian văn hoá tuyến phố đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận vào thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Theo đó, UBND quận đã tiến hành lắp đặt cổng chào (nhận diện phố đi bộ) và tăng cường trang trí mỹ thuật tuyến phố đi bộ, tạo điểm nhấn về không gian, kiến trúc cảnh quan cho cả khu vực. Hoạt động tổ chức Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận đã mang lại không khí mới cho công viên Thống Nhất. Người đến với tuyến phố đi bộ không đơn thuần là tham gia hoạt động trong tuyến phố mà còn được tận hưởng không gian, mặt nước của công viên, tham gia các hoạt động trong Công viên Thống Nhất. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ được tổ chức thường xuyên tại Không gian đi bộ và được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhiều sự kiện quan trọng của Thành phố; các cấp, các ban ngành, đoàn thể của Thành phố và nhiều đơn vị cũng được tổ chức tại đây.

ho-thuyen-quan.png
Một phối cảnh trong “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng khởi xướng.
hhkd2259.jpg
Đồng chí Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng và nhóm tác giả của Công ty Cổ phần Tư vấn Kiến trúc Đô thị Hà Nội – UAC nhận giải ở hạng mục "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" tại lễ trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2024 với “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận”.

Được biết, “Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận” do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng đã chiến thắng ở hạng mục "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" tại lễ trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2024 diễn ra chiều ngày 8/10/2024 vừa qua. Theo Đề án, với lợi thế, giá trị về cảnh quan, không gian của tổng thể hồ Thiền Quang và công viên Thống Nhất sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn về cảnh quan của quận Hai Bà Trưng và của Hà Nội.

“Với mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, được xác định gồm các nội dung như: Trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa. Mọi người dân đều hiểu biết, tự hào, tôn vinh lịch sử và văn hóa dân tộc; có ý thức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến việc phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của quận”

Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng nhấn mạnh

Đáng kể, trong khối trường học, luôn đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung giáo dục toàn diện đối với các em học sinh. Quan tâm, đầu tư, đổi mới phương pháp dạy môn học Lịch sử, tăng cường giáo dục bằng các hình thức trực quan như: nói chuyện truyền thống, thăm quan bảo tàng, di tích cách mạng lịch sử, chiếu phim tư liệu… Đưa tập bài giảng Lịch sử truyền thống cách mạng quận Hai Bà Trưng vào giảng dạy tại các trường trong toàn quận.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần tích cực vào việc đề cao giá trị đạo đức, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nề nếp gia phong của gia đình truyền thống được khơi dậy và giữ vững. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống trong gia đình và cộng đồng được phát huy. Nhiều năm qua, hầu như không còn các vụ bạo hành gia đình, tỷ lệ các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và giữa bà con khu phố đã giảm đáng kể.

z6007416973502_2cf032988e05f697506ea103c3d15afb.jpg

Người dân quận Hai Bà Trưng đã nâng cao nhận thức, ý thức và tự giác hành động để xây dựng và phát huy nếp sống thanh lịch, văn minh của người Thủ đô. Văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi; nếp sống văn hoá đô thị được quan tâm xây dựng; hình thành nhiều nét đẹp văn hoá trong đời sống nhân dân; nhiều nếp sống văn hóa tốt đẹp đã dần được khôi phục và trở thành thói quen giao tiếp hàng ngày.

Quá trình lâu dài, bền bỉ

Chỉ thị 30-CT/TU chỉ rõ: “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên”. Thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị 30-CT/TU trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, mặc dù còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như: Nhận thức của một bộ phận nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế, ý thức chưa cao; một số thanh, thiếu niên nhận thức còn lệch lạc, thiếu ý thức chấp hành pháp luật nhất là Luật an toàn giao thông đường bộ… Song, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trên địa bàn quận đã triển khai nghiêm túc, bài bản, sâu rộng, toàn diện và thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ.

2.jpg

Thời gian tới, quận Hai Bà Trưng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, bổ sung hạng mục các thiết chế văn hóa. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội hoá trong các hoạt động văn hoá, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp văn hoá nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả 02 bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn quận. Triển khai thực hiện các Chuyên đề bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, lễ hội trên địa bàn quận giai đoạn 2020 – 2025, định hướng 2030. Kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương; quy hoạch mạng lưới du lịch tổng thể nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận.

“Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU phải được tiến hành kiên trì, nghiêm túc, thiết thực, tránh hình thức. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện Chỉ thị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc xây dựng thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho biết.